Không phải là hoạt động ngoại khóa
Trong kết cấu Chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm (HĐTN) được thực hiện ở cấp tiểu học và HĐTN, hướng nghiệp được thực hiện ở cấp THCS và THPT. HĐTN là hoạt động giáo dục có vị trí độc lập trong chương trình, đồng thời cũng được khuyến khích vận dụng vào dạy học các bộ môn, trong đó có Lịch sử.
Qua trao đổi với các giáo viên Lịch sử, một bộ phận quan niệm rằng HĐTN trong chương trình mới chỉ là sự thay đổi tên gọi các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp trong chương trình GDPT hiện hành. Do đó, HĐTN có thể không bắt buộc phải thực hiện mà tùy thuộc vào điều kiện của mỗi trường.
Mặt khác, một số GV còn cho rằng việc thực hiện HĐTN là thuận lợi và phù hợp hơn với các bộ môn KHTN. Còn với đặc trưng của tri thức lịch sử, là những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ, không lặp lại, không thể thí nghiệm y nguyên và cách xa với nhận thức của HS về không gian và thời gian thì việc tổ chức HĐTN trong quá trình dạy học Lịch sử là không hề đơn giản.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Đình Tùng - Giảng viên khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Thực ra về mặt hình thức, một số HĐTN có thể giống với hoạt động ngoại khóa lịch sử. Tuy nhiên ở đây có sự khác biệt về bản chất, phương thức thực hiện cũng như sự tác động đối với sự phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Ở một số nước, HĐTN vẫn được coi là hoạt động ngoài giờ lên lớp và thực hiện mục tiêu chủ yếu là phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Trong khi đó, mục tiêu của dạy học bài nội khóa trên lớp chủ yếu là phát triển trí tuệ của học sinh.
Hiện nay, hình thức của một số hoạt động ngoại khóa, thực hành là rất gần với HĐTN, nhưng trong quá trình thực hiện, GV vẫn là người tham gia trực tiếp, can thiệp sâu vào quá trình tổ chức và thực hiện các hoạt động chuyên môn hơn là để cho học sinh chủ động tự xây dựng kế hoạch, phân công, tổ chức thực hiện, tự đánh giá trên cơ sở kinh nghiệm, cảm xúc và nhiều trạng thái tâm lí khác của người học.
HĐTN nhấn mạnh đến vai trò định hướng, cố vấn của nhà giáo dục. Các thầy cô không tổ chức, phân công, tham gia trực tiếp các hoạt động với HS mà chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát hoạt động của tập thể hoặc cá nhân. HS đóng vai trò là người trực tiếp tự tổ chức, hoạt động một cách chủ động. Kết quả đầu ra là phẩm chất, năng lực thực tiễn, năng lực sáng tạo của HS.
Tri thức lịch sử phản ánh về quá khứ, cái đã qua của xã hội loài người. Song trong các hoạt động giáo dục lịch sử, GV hoàn toàn có thể hướng HS tham gia các HĐTN phù hợp như: Trải nghiệm tinh thần, tình cảm, xã hội, trải nghiệm mô phỏng.
Tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên
Các HĐTN trong dạy học lịch sử không chỉ góp phần làm giàu tri thức lịch sử mà còn tác động mạnh mẽ đến việc phát triển năng lực, phẩm chất, đồng thời tạo hứng thú, phát huy tính tích cực học tập và hình thành xúc cảm lịch sử cũng như những giá trị tinh thần khác cho HS.
Từ nội dung của các khóa trình lịch sử VN, lịch sử địa phương và lịch sử thế giới, GV có thể định hướng nhiều chủ đề trải nghiệm cho HS khi tiến hành bài học lịch sử hoặc HĐTN cho HS khi tiến hành bài học lịch sử hoặc HĐTN bắt buộc trong Chương trình GDPT mới. Trải nghiệm là hoạt động GD không mới ở các nước có nền GD tiên tiến nhưng việc triển khai hiệu quả ở nước ta trong những điều kiện hiện nay là thách thức lớn, đòi hỏi mỗi GV và cả hệ thống GD cũng như phụ huynh HS, các cơ quan sở tại phải có tầm nhìn xa và quyết tâm cao để thực hiện.
Nhận định về các thách thức đối với việc triển khai các HĐTN trong thời gian tới, PGS.TS Trịnh Đình Tùng chia sẻ: Hiện nay, một bộ phận không nhỏ GV chưa nhận thức đầy đủ về bản chất cũng như sự cần thiết của HĐTN trong dạy học Lịch sử.
Do chưa được tập huấn chu đáo về hoạt động này nên GV còn lúng túng trong việc xác định hình thức, nội dung, phương thức tổ chức của HĐTN. Thói quen cũ trong dạy học Lịch sử cũng là sức cản trong việc tổ chức các HĐTN theo hướng tiếp cận năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động của người học.
HS, phụ huynh HS và thậm chí cả cán bộ QLGD các cấp chưa được tiếp cận với các hình thức HĐTN, ít được trải nghiệm để nhận ra những tác động tích cực của hoạt động này đối với sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học nên chưa tạo được động lực hoạt động tích cực và đồng bộ.
Sự nhìn nhận lệch lạc của một bộ phận HS và phụ huynh HS đối với bộ môn Lịch sử cũng ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện những HĐTN có chủ đề lịch sử, nhất là khi bộ môn Lịch sử trong Chương trình GDPT mới cấp THPT vẫn xác định là môn học mà học sinh được lựa chọn. Một số trường THPT còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất cũng như kinh phí để tổ chức thực hiện các HĐTN.
Để triển khai tốt HĐTN trong nhà trường thì công tác chuẩn bị, tập huấn cho GV cũng như CBQL về yêu cầu, hình thức cũng như phương thức thực hiện hoạt động này phải được tổ chức một cách nghiêm túc với những cách thức phù hợp, tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả.
Có thể tổ chức cho đội ngũ cốt cán của các trường được trao đổi, học tập kinh nghiệm của một số trường đã tổ chức tốt HĐTN. Thành lập CLB Lịch sử để tập hợp những HS có năng khiếu hoạt động phong trào, hoạt động nghệ thuật và yêu thích lịch sử để làm nòng cốt cho các HĐTN có chủ đề, nội dung lịch sử.
Đồng thời nhà trường cũng cần chú ý đến việc tổ chức kết nối, phối hợp tốt hoạt động của GV các bộ môn, các đoàn thể trong nhà trường với phụ huynh HS cũng như với chính quyền và các cơ quan khác ở địa phương. Ngoài ra, việc tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ cho HĐTN cũng là một yếu tố rất cần thiết.
>>> XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Sử lớp 8 học kỳ I
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 (Ext 3) hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nhận xét
Đăng nhận xét