1. Cách ôn tập lý thuyết
Cách ôn tập lý thuyết đầu tiên có thể sử dụng là hệ thống hóa kiến thức theo từng bài và theo giai đoạn văn học bằng sơ đồ tư duy, tóm lược nội dung bằng cách gạch đầu dòng, bằng từ khóa. Sơ đồ tư duy trên mạng rất nhiều, tuy nhiên có những sơ đồ nhìn vào quá phức tạp. Bởi vậy, giáo viên nên hướng dẫn học sinh tham khảo và soạn lại theo cách đơn giản, kết hợp với kiến thức trọng tâm, vở ghi của học sinh giúp học sinh dễ nhớ, khó quên. Tóm lược nội dung trọng tâm tác phẩm bằng cách gạch đầu dòng những ý chính ( nhất là với học sinh trung bình, yếu).
Ví dụ, bài Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), có thể ghi lại 4 ý chính: Cây xà nu gắn bó mật thiết với dân làng xô man; Cây xà nu chịu nhiều mất mát, đau thương; Cây xà nu có sức sống mãnh liệt; Cây xà nu mang phẩm chất cao đẹp.
Ngoài những cách trên, giáo viên có thể giúp học sinh ghi nhớ kiến thức bằng cụm từ khóa. Chẳng hạn, khi ôn về hình tượng cây xà nu, vẫn 4 luận điểm chính trên, giáo viên hướng dẫn học sinh ghi nhớ bằng 4 cụm từ khóa: Gắn bó, Đau thương, Mãnh liệt, Cao đẹp. Từ cụm từ khóa, yêu cầu học sinh diễn ý. Như ở cụm từ "Gắn bó", học sinh sẽ diễn được: Cây xà nu gắn bó mật thiết với dân làng xô man lửa xà nu cháy trong mỗi bếp nhà Ưng, khói xà nu xông bảng nứa cho Mai và Tnú học chữ, đuốc xà nu dẫn đường dân làng vào rừng tìm vũ khí giết giặc.
Ngoài ra, việc giáo viên khắc sâu cách nhớ dẫn chứng văn xuôi, thơ bằng dạng câu hỏi điền khuyết, bằng cách so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm cũng rất quan trọng. Cách làm này giúp học sinh tránh nhầm lẫn kiến thức giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, thấy được những điểm giống nhau và khác nhau trong phong cách nghệ thuật của hai nhà văn nhà (thơ) trong một giai đoạn sáng tác cũng như sự đóng góp của họ cho nền văn học nước nhà.
Đối với học sinh không đạt yêu cầu giáo viên đưa ra trên lớp, như không thuộc bài, không làm bài tập, giáo viên lập danh sách phụ đạo vào những giờ trái buổi, kết hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh quản lí, thông báo tình hình học tập của các em.
2. Cách ôn tập phần thực hành
Về thực hành, giáo viên có thể vận dụng các bước sau:
Bước 1: Truy bài lí thuyết về kỹ năng làm các dạng đề theo hướng mới hiện nay. Tôi thường dành khoảng 7 đến 10 phút để truy bài lý thuyết về kỹ năng thực hành các dạng đề. Đây được xem là bước quan trọng, vì dẫu các em có nắm vững kiến thức tác phẩm nhưng không nắm kỹ năng làm bài sẽ dễ mất điểm. Nhất là những năm gần đây, trong các đề thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã có độ phân hóa rõ ở câu Nghị luận văn học.
Bước 2: Rèn kỹ năng phân tích đề - lập dàn ý.
Bước 3: Rèn kỹ năng viết đoạn văn. Hạn chế lớn nhất của học sinh là thường không biết cách diễn đạt ý (luận điểm chính) thành một đoạn văn và thường không biết cách liên kết ý, chuyển ý, lười tư duy dẫn đến học thuộc lòng bài văn mẫu hoặc sao chép lại những nội dung mà giáo viên cho ghi vào vở. Các em không có sự tư duy sáng tạo; cũng có em quan niệm văn nắm ý rồi " tán" cho dài ra, nhưng "tán" mà lại không nắm vững kiến thức dẫn đến "đầu voi, đuôi chuột". Vì thế, việc tập trung rèn cho học sinh kỹ năng diễn ý và hành văn rất quan trọng. Cụ thể, cần hình thành kỹ năng diễn đạt đoạn văn theo trình tự như sau: Dẫn dắt + Ý (luận điểm)-> Dẫn câu văn-> Phân tích-> Liên hệ mở rộng (nếu có). Cùng với đó, học sinh cần lưu ý việc liên kết ý (chuyển ý).
3. Cho học sinh tiếp cận với thang điểm chấm thi
Nhiều năm liền tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tôi nhận thấy thang điểm ở câu này phần cứng thường là:
Phần mở bài đạt yêu cầu (tức là giới thiệu được vấn đề nghị luận) đạt 0,25, nếu mở bài có sáng tạo là 0.5, diễn đạt có sáng tạo là 0,25- 0,5 (sáng tạo ở đây có nghĩa là, bên cạnh diễn đạt được kiến thức trọng tâm theo yêu cầu đề thì cần phải diễn đạt câu văn có hình ảnh, có lí luận, dẫn chứng mở rộng…);
Bố cục rõ ràng (mở bài, thân bài, kết bài và trong phần thân bài chia làm nhiều đoạn) 0,25 điểm; chính tả ngữ pháp không sai 0,25, kết bài 0,25.
Như vậy, tổng cộng phần cứng thường nằm ở khoảng 1,25-1,5 điểm. Do đó, trong quá trình ôn thi, giáo viên cần chỉ cho các em thấy được thang điểm này, để thấy được tầm quan trọng của việc viết chữ cẩu thả khó đọc hay viết không phân đoạn, mở bài – kết bài không đạt sẽ mất điểm.
4. Tổ chức hình thức ôn tập phong phú, đa dạng
Để tăng hứng thú cho học sinh trong quá trình ôn tập, giáo viên cố gắng tạo hứng thú cho học sinh. Ví dụ, có thể các em xem lại đoạn phim vợ nhặt, vợ chồng A Phủ, truyện cổ tích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", nghe đoạn nhạc « Ai đã đặt tên cho dòng sông? »… Cũng có thể tổ chức hoạt động đố vui văn học có thưởng ; thực hiện "đôi bạn cùng tiến", "chạy tiếp sức"…
5. Cho học sinh thi thử hay kiểm tra sau mỗi chuyên đề
Bên cạnh việc thi diễn tập theo kế hoạch của sở GD&ĐT, của trường, trong giai đoạn nước rút, giáo viên có thể cho học sinh thi thử trên lớp, chấm – rút kinh nghiệm làm bài cho học sinh. Kịp thời phát hiện ra những em không học bài, biểu hiện lơ là, sai hình thức đoạn văn, chưa nắm rõ kỹ năng làm bài tập đọc hiểu, bản thân sẽ tiến hành phụ đạo thêm.
6. Lắng nghe học sinh nói
Lắng nghe những ý kiến đóng góp từ học sinh qua tin nhắn điện thoại, Zalo cá nhân, khuyến khích các em hỏi những vấn đề còn vướng mắc trên lớp học. Đặc biệt chú ý đến những học sinh yếu nhưng cũng không nên quá tạo áp lực. Khen thưởng kịp thời những học sinh học yếu có cố gắng bằng nhiều hình thức: cho quà vở, bút, cho điểm khuyến khích.
>>> XEM THÊM: Tạo đề thi trắc nghiệm: Đề thi trắc nghiệm Văn lớp 8
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 (Ext 3) hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nhận xét
Đăng nhận xét